Ngoài việc Hà Nội có hoa đào, Sài Gòn có hoa mai, bạn còn biết gì về sự khác biệt Tết giữa Sài Gòn và Hà Nội nữa?
Trang phục ngày Tết
Ở Hà Nội, Tết đến đồng nghĩa với những ngày mưa phùn lất phất và những cơn gió mang theo hơi lạnh thổi vù vù cả ngày lẫn đêm. Ai đó từng nói: "Ở Hà Nội mà chưa thấy lạnh là chưa thấy Tết".Bởi thế cho nên, người Hà thành ra ngoài ai nấy đều khăn bông quấn kín mít, áo ấm to đùng che kín người, và cả những đôi ủng dày cao tận bắp chân.
Còn ở Sài Gòn thì khác, Tết là những ngày nắng vàng rực rỡ, trời trong xanh mây trắng bồng bềnh. Có chăng thì cũng có một chút hơi lạnh vào những ngày giáp Tết, nhưng rồi lại ấm áp trở lại rất nhanh. Có lẽ được thời tiết ưu ái hơn nên người Sài Gòn có nhiều sự lựa chọn hơn cho trang phục Tết. Họ có thể ăn mặc đủ kiểu, miễn là đẹp và hợp với ngày Tết, từ áo ba lỗ đến áo dài tay, từ chất liệu voan mỏng đến len dày.
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả của người Hà Nội thường có 5 loại: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách trình bày truyền thống là: Chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.
Trong khi đó, người Sài Gòn bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn. Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt, như chuối, lê, táo, cam, quýt.
Món ăn ngày Tết
Món canh đặc biệt của người Hà thành là canh bóng bì, còn ở Sài Gòn người ta lại chuộng ăn canh khổ qua hầm. Nếu như bánh chưng là món nhất định phải có trong dịp Tết ở Thủ đô, thì chiếc bánh tét mềm dẻo mang hương vị đậm đà lại là món ngon không thể thiếu trong những ngày Tết nơi Sài phố.
Người dân miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng tự hào về những món ăn mang đậm chất xưa như thịt đông, dưa hành, giò heo, chè kho, còn người Sài Gòn thì mê mệt những món thanh đạm như củ kiệu tôm khô, dưa giá, dưa cải ngâm chua.
Kiêng kỵ ngày Tết
Miền Bắc là vùng miền có nhiều điều cấm kị nhất cả nước. Người miền Bắc nói chung và người Hà Nội nói riêng rất coi trọng và tuân thủ theo những điều không được làm ngày Tết với hy vọng được nhiều thứ trong năm mới. Nổi bật nhất là tục xông nhà, kiêng cho lửa ngày Tết, kiêng cho nước đầu năm hay kiêng làm vỡ bát đĩa.
Người Sài thành tuy dễ tính hơn rất nhiều nhưng cũng có những điều cấm kị riêng. Một trong số đó là quy định bất cứ ai trong gia đình dù đang sinh sống ở xa cách mấy cũng phải về nhà trước Giao thừa. Một tục lệ khác là phải cất chổi sau khi quét dọn, vì nếu trong ngày Tết mà để mất chổi thì có nghĩa cả năm đó gia đình sẽ bị trộm cắp viếng thăm vơ vét của cải.
Ngày Tết - Đi hay ở?
Có lẽ xu hướng du xuân phát triển ở miền Nam nhiều hơn ở ngoài Bắc. Vào ngày Tết, người dân thủ đô thường ít đi chơi xa mà ở nhà đón khách hoặc đi loanh quanh chúc Tết bạn bè, hàng xóm láng giềng. Đây là dịp để họ gắn kết hơn tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm.
Người Sài Gòn thì khác, Tết là khoảng thời gian được nghỉ dài nhất trong năm, vì vậy họ thường tận dụng dịp này để đi du lịch xả hơi sau một năm làm việc vất vả.
Kết luận: Người Sài Gòn hay Hà Nội đều có những các tận hưởng ngày Tết của riêng mình. Thật thú vị khi có thể hiểu thêm về cách đón Tết của hai vùng phải không các bạn?