Các cụ ta có câu: "Có thờ có kiêng, có thiêng có lành". Nhưng bạn đã biết những điều cần kiêng vào ngày Tết để giúp cho cả năm sung túc chưa?
1/ Quét nhà, đổ rác trong 3 ngày Tết
Nhiều quan niệm cho rằng, nếu như quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới đồng nghĩa với việc "đuổi" tài lộc, may mắn và tiền bạc ra khỏi nhà, khiến cả năm của gia chủ đều khó khăn, khó mà làm ăn phát đạt.
Tuy nhiên để giữ nhà cửa sạch sẽ để đón khách vào dịp Tết, 1 số gia đình quét dọn vào 1 góc nhà, đợi khi 3 ngày Tết qua đi mới đổ rác ra ngoài.
2/ To tiếng, cãi nhau vào ngày Tết
Vào ngày Tết, dù có bực bội khó chịu thế nào, người ta cũng thường cố gắng giữ hòa khí và tránh to tiếng. Người lớn cũng tránh mắng mỏ con trẻ để chúng khóc. Ngoài ra, người Việt còn kiêng nói những điều xui xẻo, kém may mắn vào ngày Tết. Bởi lẽ, ngày Tết vốn là ngày sum họp gia đình, là thời điểm hàng xóm láng giềng, bè bạn gặp nhau gửi những lời chúc cho một năm mới đầy may mắn, hãy làm cho những ngày vui nhất năm tràn đầy hạnh phúc và tiếng cười nhé.
3/ Cho lửa đầu năm
Theo quan niệm Á Đông, lửa mang màu đỏ tượng trưng cho may mắn. Nếu như đầu năm mới mà bạn tặng lửa cho người khác, đồng nghĩa với việc bạn đem may mắn của mình cho họ và nhận về mình phần xui xẻo trong năm tới.
4/ Vay mượn, trả nợ
Trong những ngày đầu năm hứng lộc vào nhà, hành động vay hoặc trả nợ được xem như dâng tài lộc vào tay người khác. Đầu năm đã vay mượn hoặc trả nợ là điềm báo cho 12 tháng xui xẻo, túng thiếu, thường phải đi vay của người khác hoặc vất vả để trả những khoản nợ phát sinh trong năm.
5/ Cho nước đầu năm
Nước là một trong 5 nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) nên người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi, dồi dào ví như người ta hay chúc nhau câu nói "Tiền vào như nước sông Hồng, tiền ra nhỏ giọt như cafe phin”. Vì vậy nếu cho nước đầu năm, tiền tài, danh lợi của bạn sẽ "một đi không trở lại".
6/ Làm vỡ đồ đạc
Vỡ bát đĩa, ấm chén hoặc các đồ dùng khác trong nhà là một điều hết sức xui xẻo bạn cần phải kiêng kị những ngày đầu năm mới. Theo quan niệm truyền thống, đổ vỡ là dấu hiệu của việc chia lìa, mang đến nhiều đau đớn, buồn tủi. Hãy cẩn thận hơn trong những ngày đầu năm mới để tránh cho gia đình bất hòa, chia rẽ.
7/ Mua dao, thớt, chày, cối…
Đầu năm mới người ta kiêng mua những đồ vật như dao, thớt, chày, cối vì cho rằng những đồ vật này nặng nề, có sát khí cao. Thay vào đó, mọi người sẽ mua muối ngay vào những giây phút đầu tiền sau giao thừa hoặc sáng sớm mùng Một với hàm ý cả năm sẽ đậm đà, ý vị.
8/ Xuất hành ngày mùng 5
Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”. Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường không xuất hành du xuân hay cầu tài lộc đầu năm vào ngày này.
9/ Ăn trứng vịt lộn, thịt vịt, thịt tôm, mực
Vào những ngày đầu năm, có nhiều món ăn được xem là kiêng kỵ mà bạn không nên dùng đến như ăn trứng vịt lộn, thịt vịt, thịt tôm, mực... Người ta thường cho rằng ăn thịt vịt đầu năm sẽ gặp xui xẻo, "bơi như vịt". Một số vùng không ăn tôm vì sợ… đi giật lùi như tôm, công việc trong năm mới sẽ lùi chứ không thể tiến tới, không ăn mực vì cả năm có thể "đen như mực".
10/ Ngồi hoặc đứng trước cửa
Ngày đầu năm mới, bạn và gia đình nên ngồi trong nhà chứ không nên ngồi hoặc đứng trước cửa nhà mình. Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình không được may mắn, thành công, hạnh phúc.
11/ Kiêng đi chúc Tết sáng mùng một
Sáng mùng một Tết, các gia đình thường ở nhà làm cơm cúng và chỉ đi chúc tết khi đã muộn, để tránh trở thành người xông đất của nhà khác. Người dân rất coi trọng người xông đất, cần phải hợp tuổi, thành đạt, tốt tính để đem lại may mắn trong năm mới. Do đó, việc đi chúc Tết quá sớm sẽ khiến bạn có khả năng trở thành người xông đất “bất đắc dĩ’, phá vỡ kế hoạch của chủ nhà.
12/ Mặc quần áo màu đen, trắng
Với người Việt Nam, màu đen- trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo nhiều màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.
13/ Để tang vào ngày mồng Một
Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc.
Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.
14/ Chúc Tết người đang nằm ngủ
Ngày xưa đất tuy rộng nhưng không phải gia đình nào cũng có nhà to để phân ra thành phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Vì thế không hiếm trường hợp, khách đến nhà chúc Tết vào sáng mùng một, thấy vẫn có người nằm ngủ do phải thức khuya vào tối giao thừa. Đã đến nhà người ta thì phải xởi lởi mà chúc Tết, thế nhưng họ không chúc người đang nằm ngủ đó. Nếu không, lời chúc tốt đẹp lại bị xem như lời trù ẻo, muốn cho người ta phải nằm li bì trên giường bệnh. Vì thế, nếu có lòng, khách phải đợi đến khi người đó ngủ dậy mới nói ra lời chúc với họ.