Ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả thì mỗi vùng miền lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình
Nhắc đến Tết, mọi người vẫn nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiếng, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè.
Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả - những đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết, mỗi vùng miền trên mảnh đất hình chữ S lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình. Do đặc điểm khí hậu, khẩu vị khác nhau của ba miền Bắc - Trung - Nam mà phong tục ẩm thực của từng vùng cũng có những “dấu ấn” không lẫn vào đâu được.
Xuân miền Bắc rực rỡ trong sắc hồng thắm của hoa đào và co ro trong tiết lạnh, người miền Bắc dường như nuông chiều bản thân hơn với các món như bánh chưng, giò lụa, dưa hành, nem rán, canh măng chân giò, thịt đông thật béo và đầy năng lượng.
Mâm cỗ Tết miền Bắc rất tinh tế, là sự phối hợp hài hòa của các món ăn, giữa món nước và món khô, giữa thịt và rau. Đầu tiên là bánh chưng xanh được gói bằng thứ gạo nếp thơm dẻo với màu xanh mướt mắt. Bánh chưng xanh thường ăn với dưa hành, vừa làm tăng hương vị, lại “chống” ngán. Kế đến là thịt đông - món ăn khá lạ lùng: vốn nguội lạnh, lại ăn trong tiết trời lạnh giá và kèm với dưa cải chua mới ngon.
Ngoài ra, còn có đĩa xôi ăn với gà luộc rắc lá chanh, giò lụa, giò xào, nem rán, kèm đĩa nộm nhiều rau củ để bữa cỗ thêm ngon miệng. Món nước cũng không kém phần phong phú: nào giò heo hầm với măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến nấu lòng gà, rồi bát mọc nước. Người ta còn chuẩn bị thêm nồi cá chép hoặc cá trắm kho riềng, nồi thịt bò kho quế, món nào cũng đậm đà hương vị.
Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Thịt đông là món riêng có của mùa đông xuân Bắc bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn.
Ngày Tết ở miền Trung lại không thể thiếu những món ăn dân dã như dưa món, nem chua, tré, thịt dầm bên cành mai vàng sắc nắng. Mâm cỗ cúng Tết miền Trung nấu khéo, nhìn thấy trong đó cả âm hưởng của sự chắt chiu, chia sẻ.
Người miền Trung chuộng sự cầu kỳ tỉ mỉ nên món Tết được chăm chút kỹ lưỡng. Miền Trung không có bánh chưng mà là bánh tét, được gói bằng lá chuối theo hình trụ, ăn với dưa món (củ cải, cà rốt, dưa leo ngâm trong nước mắm đường). Nhiều món nguội như chả, nem chua, tré, hay gỏi.
Đặc biệt, mâm cỗ Huế không thể thiếu món tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả. Tết ở miền Trung còn có món bò nấu thưng, thịt nạc rim và đặc biệt là món giò heo hon, giò heo ướp nghệ tươi giã nát, nấu liu riu đến khi mềm, cho thêm đậu phộng đã bóc vỏ, vừa béo vừa thơm, ăn với xôi trắng rất hợp.
Tết của người miền Nam lại giản dị, mộc mạc trong ẩm thực ngày đầu năm với những món ăn như thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, bánh tét, món tôm khô ăn với củ kiệu ngâm chua
Món ăn Tết miền Nam vô cùng phong phú. Bánh tét người miền Nam có hai loại là bánh mặn với nhân là đậu, thịt lợn và bánh ngọt có nhân chuối hoặc nhân đậu xanh. Bánh tét của miền Nam có cách gói gần giống với bánh tét của người miền Trung, cũng gói thành đòn dài với lớp lá chuối bọc bên ngoài, bên trong là nếp, tùy bánh ngọt hay mặn mà sử dụng loại nhân cho phù hợp. Ngoài việc dùng để cúng ông bà, làm quà biếu, bánh tét kết hợp với tôm khô củ kiệu còn là món ăn ngon miệng không thể thiếu trong những ngày Tết. Bánh tét không chỉ có nhân thịt heo đậu xanh mà còn biến tấu thành nhiều kiểu như bánh tét chay (chỉ có đậu đen, dừa nạo trộn với nếp); bánh tét ngọt (nhân đậu xanh hay nhân chuối); bánh tét nhân thập cẩm (tôm khô, trứng muối, lạp xưởng, nấm đông cô…), đặc biệt là bánh tét lá cẩm, lá gấc, bánh tét ngũ sắc.
Ngoài ra, Tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu. Thịt phải là miếng ba rọi ăn mới không khô, kho với trứng vịt và nước dừa xiêm, miếng thịt mềm rục mà không nát, ăn kèm với dưa giá cải chua.
Khổ qua hầm thịt cũng là món đặc trưng ngày Tết của người miền Nam. Người ta ăn khổ qua với mong ước năm mới Tết đến mọi sự khổ cực đều qua đi, mang lại niềm may mắn cho cuộc sống. Nem bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, củ kiệu chua, tôm khô kiệu chua cũng là những món ăn Tết thường có. Nếu ngán những món quá nhiều thịt mỡ, người ta làm cá lóc nướng hay hấp, cuốn với bánh tráng, vừa bổ sung thêm rau xanh, vừa dễ ăn.
Tết là dịp dành cho mọi người, mọi nhà cùng nhau sum họp, vui vầy. Bữa cơm cuối năm là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người lại ôn chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới. Bởi thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt dù ở vùng nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết luôn gắn kết tình thân và luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi gia đình Việt.