Rượu là thứ không thể thiếu trong mọi cuộc liên hoan, tiệc tùng, nhất là trong dịp Tết đến xuân về, người xưa uống rượu là thú chơi rất tao nhã chứ không uống xô bồ, ào ào như ngày nay.
Tết đến, xuân về, người Việt có rất nhiều thứ để vui. Một trong những thứ đó là nâng chén rượu để chúc nhau có được sức khỏe, gặp nhiều may mắn, cầu được ước thấy; luôn có được phúc, lộc, thọ, an. Rồi buôn bán thì nhất bản vạn lợi. Công tác thì thăng quan tiến chức như diều gặp gió...
Rượu là thứ không thể thiếu trong mọi cuộc liên hoan, tiệc tùng, nhất là trong dịp Tết đến xuân về và có từ ngàn xưa. Trong văn hóa truyền thống, ông cha ta uống rượu không phải xuất phát từ cơn nghiện để thỏa sự khát thèm mà là để hoặc vui vẻ trong những cuộc gặp gỡ thù tạc, hoặc là để tự giải buồn, vượt qua những giây phút bế tắc trong cuộc sống.
Cho nên ngày xưa, không bao giờ có chuyện uống rượu bằng cốc, bằng bát như bây giờ mà bằng chén, lại là loại chén chỉ nhỏ bằng hột mít. Còn rượu cũng không đóng vào chai, vào bình, hũ, thậm chí can nhựa như bây giờ mà cho vào chiếc cút nhỏ bằng sứ rồi đậy nút bằng lá chuối khô. Một chiếc cút như thế thường chỉ chứa được khoảng một phần tư lít.
Người xưa uống rượu là thú chơi rất tao nhã, không uống xô bồ, ào ào. Ông cha ta uống rượu là để nhâm nhi với bạn, người thân trong những giây phút trải lòng, tâm đầu ý hợp. Vậy nên mới có hai câu thơ ai cũng biết: “Rượu ngon không có bạn hiền. Không mua không phải không tiền không mua”.
Rượu là biểu tượng của sự tri kỷ, tri âm, của những Bá Nha, Tử Kỳ. Vừa uống vừa chuyện trò, tâm tình nhỏ nhẹ về nhân tình thế thái chứ không “Dô! Dô! Dô!” với cả tốp, cả đoàn hàng chục người ồn ã, huyên náo, rồi ngửa cổ uống ừng ực và ép nhau phải cạn một hơi “trăm phần trăm” như ngày nay.
Xưa, uống rượu cũng thể hiện tính cách của đàn ông là mạnh mẽ, bản lĩnh, sâu sắc, điềm tĩnh. Vậy nên mới có câu so sánh: “Trai vô tửu như cờ vô phong”. Nâng chén rượu đầu xuân để chúc tụng nhau là rất có ý nghĩa. Ðó là người ta cầu mong cho nhau gặp được may mắn, những điều tốt đẹp nhất trong suốt cả một năm.
Nhưng không phải ai cũng nhận ra ý nghĩa này. Vậy nên đã có không ít người gặp ai cũng chúc, có thể nói là bạ đâu uống đấy, chúc đấy một cách rất tào lao, hời hợt khiến người được chúc không cảm thấy được trân trọng, lời chúc không thiêng liêng.
Người xưa uống rượu xong thì thấy trong người lâng lâng, nhẹ nhõm, đầu óc như được khai thông, tâm hồn như được giải tỏa. Còn nay, phần lớn uống quá chén và không ít “người rượu vào lời ra” rồi dẫn đến xô xát.
Nếu ngày trước, rượu là biểu tượng của sự ung dung, tự tại, khoan thai, điềm tĩnh, đạm bạc thì nay rất nhiều khi là nơi người ta sát phạt nhau hoặc bộc lộ mọi thứ khiếm nhã, ít văn hóa nhất. Ép nhau uống, phải cạn “trăm phần trăm” mới “tha”. Muốn cho nhau say đến ngã, đổ kềnh càng, nôn mửa thốc tháo mới được cho là nhiệt tình, hết mình. Việc bắt ép uống rượu không loại trừ cả phái nữ.
Rồi thì khi đã quá chén, cánh mày râu không làm chủ được hành vi, ngôn từ của mình, đã chẳng biết giữ lịch sự, tôn trọng tối thiểu những người đẹp ở bên. Lại đáng buồn khi có người đẹp còn cổ súy, khích lệ đám đàn ông tiếp tục “dô, dô” mệt nghỉ.
Vì rượu, họ sẵn sàng quên cả tính mạng của mình. Những cuộc uống rượu đến say mềm dẫn tới không còn biết làm chủ bản thân. Rồi cà khịa, gây gổ, bạo lực từ bàn tiệc rượu chỉ thấy xảy ra ở thời nay chứ rất hiếm thấy ở thời xưa.
Chén rượu đầu xuân ngày xưa chỉ là rượu Việt Nam nấu từ nếp cái hoa vàng. Còn ngày nay có thêm rất nhiều chủng loại, đặc biệt là rượu Tây đắt tiền. Có chai cả chục triệu đồng. Xã hội đã văn minh, hiện đại hơn nhiều. Người ta cũng có rất nhiều hình thức đón xuân, chúc nhau ngày đầu xuân. Vậy nên cách chúc bằng nâng cốc rượu cũng phải khác, phong phú, rôm rả, “có không khí” hơn trước.
Nhưng gì thì cũng không thể xa rời truyền thống văn hóa của ông cha mà việc uống rượu, chúc rượu đầu xuân là một biểu hiện cụ thể vậy. Quá khứ dễ trở nên lạc hậu so với hiện tại. Nhưng vẫn có những thứ mãi mãi là những chuẩn mực văn hóa không bao giờ lỗi thời.
Chén rượu đầu xuân là nét văn hóa truyền thống và mỗi người cần phải biết để thể hiện văn hóa với người thân, bạn bè và cộng đồng.